Chia Sẻ Về Cấu Tạo Và Chức Năng Của Da
Để hiểu rõ hơn về nám cũng như các vấn đề về da, chúng ta nên bắt đầu hiểu về cấu trúc, cấu tạo của da cùng những chức năng quan trọng của da. Để từ đó có cái nhìn tổng quát, cung cấp thêm những kiến thức trong việc lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc và điều trị da phù hợp.
Cấu tạo của da
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể. Che phủ gần 2m2 và có trọng lượng bằng ⅙ trọng lượng cơ thể. Da gồm 3 lớp chính: biểu bì, trung bì và hạ bì, trong mỗi lớp lại có những nhỏ khác.
Lớp thượng bì
Lớp thượng bì hay lớp biểu bì (epidermis), là lớp bên ngoài cùng của da. Có khả năng bảo vệ cơ thể chúng ta trước những tác động của môi trường bên ngoài bằng cách đảm bảo sự tái tạo liên tục và khả năng duy trì chức năng của bề mặt và sắc tố da.
Lớp thượng bì không hề có mạch máu hay dây thần kinh. Lớp thượng bì lấy chất dinh dưỡng chủ yếu với 95% là thẩm thấu chất dinh dưỡng từ lớp trung bì qua màng đáy lên lớp thượng bì và 5% còn lại là từ việc hô hấp của các tế bào thượng bì qua bề mặt da.
Trong lớp thượng bì, da còn phân thành 5 lớp nhỏ khác. Lần lượt từ dưới lên trên là lớp đáy, lớp tế bào gai, lớp hạt, lớp bóng và lớp sừng. Lớp thượng bì có độ dày khoảng 0.1 mm, tuy nhiên tuỳ các vùng da mà độ dày có thể mỏng hoặc dày hơn. Như lớp thượng bì vùng quanh mắt là 0.05 mm và vùng lớp thượng bì dưới lòng bàn chân là 1-5 mm.
Cần chú ý, ngoài lớp sừng chúng ta còn một lớp màng lipid bên ngoài bề mặt của da. Ngoài việc liên kết tế bào sừng với nhau, lớp màng lipid giúp duy trì sự tiết mồ hôi và bã nhờn, giúp da mịn màng hơn đồng thời là lớp bảo vệ quan trọng của da trước tác động của vi khuẩn, nấm.
Lớp đáy ( stratum basale): là lớp dưới cùng, là nơi có các tế bào đáy và tế bào melanocyte. Tế bào đáy hay tế bào keratinocyte, là tế bào duy nhất có khả năng sinh sản. Và nếu da bị tổn thương qua lớp màng đáy hay mất các tế bào keratinocyte thì phần da tổn thương ấy sẽ không được tái tạo và để lại sẹo.
Tế bào thứ hai trong lớp đáy là tế bào melanocyte – tế bào sản sinh sắc tố melanin. Ước tính trung bình, khoảng 30 tế bào keratinocyte sẽ có 1 tế bào melanocyte.
Có 2 loại sắc tố melanin, đó là:
+ Eumelanin: tồn tại dưới dạng đen và nâu
+ Pheomelanin: có màu từ vàng đến đỏ.
Lớp tế bào gai ( stratum spinosum): các tế bào keratinocyte sản sinh chất sừng (các sợi protein) và trở nên có hình con suốt. Các tế bào Langerhans kháng nguyên được tìm thấy tại lớp gai. Đây là tế bào có vai trò là một hệ thống miễn dịch của cơ thể và giải quyết các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể cùng với tế bào lympho, kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Lớp hạt ( stratum granulosum): tại lớp hạt, chúng ta có các hạt sừng keratohyalin nằm tại các bào tương. Khi các hạt này di chuyển lên trên, sẽ biến đổi thành chất sừng và các lipid trên lớp thượng bì.
Lớp bóng ( stratum lucidum): Lớp này chỉ có trong môi, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Lớp sừng ( stratum corneum): Lớp sừng hay lớp tế bào chết. Khi những tế bào từ lớp đáy di chuyển lên trên, các tế bào đấy sẽ bị biến chuyển thành nhân tế bào, trở về hình thái của tế bào và chuyển thành lá sừng. Khi này nhân sẽ bị teo dần, các lá sừng không có nhân.
Quá trình này cũng giải thích cho việc tại sao nói chu trình tái tạo của da là 28 ngày. Điều đó được giải thích bằng việc: một tế bào đi từ lớp đáy lên lớp sừng mất khoảng 14 ngày. Tế bào từ lớp sừng tiếp tục lên bề mặt của da và bong khỏi cơ thể là mất thêm 14 ngày nữa. Đây là chu kỳ bong da sinh lý bình thường của da ở cơ thể có độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi. Độ tuổi nhỏ hơn thì chu kỳ ngắn hơn, độ tuổi cao hơn thì chu kỳ dài hơn.
Lớp trung bì
Lớp trung bì (Dermis) có độ dày khoảng từ 0.1 đến vài mi li mét. Lớp trung bì có 2 lớp nhỏ:
Lớp nhú: chứa các tế bào bảo vệ da như đại thực bào, lympho T….Đây đều là các tế bào có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da cũng như chống lại sự xâm nhập của kẻ lạ mặt. Đặc biệt, lympho T giữ vai trò như một tế bào đánh dấu những tế bào lạ, các tế bào bảo vệ da tại trung bì kết hợp với tế bào Langerhans ở lớp gai tạo thành một nhóm tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể.
Lớp lưới: là lớp chứa các thành phần collagen, elastin HA, tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, nang lông, mạch máu…Quá trình lão hoá ở da sẽ diễn ra trực tiếp tại trung bì, các tế bào bắt đầu mất liên kết, lỏng lẻo, bị thoái hoá dẫn đến da chảy xệ, xuất hiện nhiều nếp nhăn…
Cần chú ý một chút về tính năng một số thành phần của lớp lưới liên quan trực tiếp đến lão hoá da như:
+ Sợi collagen tạo nên độ sản chắc.
+ Sợi elastin tạo nên độ đàn hồi.
+ Hyaluronic Acid (HA) giữ nước, tạo độ ẩm mịn, căng bóng cho da.
Đó là lý do tại sao, chúng ta thường thấy những thành phần này hay xuất hiện trong bảng thành phần các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc và bảo vệ da.
Một số thành phần quan trọng khác tại trung bì như:
Các tuyến mồ hôi – tạo ra mồ hôi di chuyển qua các ống dẫn mồ hôi đến các lỗ trên lớp biểu bì được gọi là lỗ chân lông. Chúng đóng vai trò điều hòa nhiệt độ.
Nang lông – là những lỗ mà lông mọc. Lông cũng đóng một vai trò trong việc điều chỉnh nhiệt độ, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương và tăng cường cảm giác. Một phần của nag cũng chứa các tế bào gốc có khả năng tái sinh tế bào.
Các tuyến bã nhờn – sản xuất bã nhờn (một loại dầu) để giữ cho lông không bị bám bụi và vi khuẩn. Bã nhờn và mồ hôi tạo nên ‘lớp màng bề mặt’. Ngoài ra, bã nhờn còn là một chất giữ ẩm và làm da mềm mại hơn.
Các mạch máu – các mạch máu tại lớp trung bì có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho da, đồng thổi điều hòa nhiệt độ cơ thể. Đây cũng chính là lớp cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu cho thượng bì.
Lớp hạ bì
Trong lớp hạ bì (Subcutaneous) chủ yếu là mỡ và các mô liên kết như mạch màu và dây thần kinh. Tại lớp hạ bì, cấu trúc sẽ được chia thành nhiều ngăn ô nhỏ, trong các ô nhỏ sẽ chứa các tế bào mỡ, nhiều hay ít phụ thuộc vào từng cơ thể khác nhau.
Lớp hạ bì hay lớp mỡ dưới da có vai trò chủ yếu như là nơi dự trữ vitamin (A,D,E,K…), bảo vệ cơ thể như giảm chấn động, va chạm và tác động từ nhiệt độ. Lớp mỡ dưới da còn có tác dụng giữ ấm, cách và cung cấp nhiệt cho cơ thể. Sản xuất hormone độc lập, tổng hợp được estrogen và testosterone.
Chức năng quan trọng nhất của da
Một số chức năng chính của da
- Bảo vệ cơ thể, chống lại các tác động từ môi trường bên ngoài:
- Các tác động cơ học, vật lý, các tác nhân hóa học.
- Các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn…
- Tia UV và các tia bức xạ của mặt trời.
- Điều hòa nhiệt độ cơ thể
Trong da chứa các mạch máu, sự co dãn của các mạch máu dưới da làm giảm sự mất nhiệt khi thời tiết lạnh, đồng thời cùng với sự hoạt động của tuyến mồ hôi giúp làm mát cơ thể mỗi khi thời tiết nóng.
- Cảm nhận được kích thích
Các dây thần kinh tại da có vai trò như cơ quan xúc giác, tiếp nhận các phản ứng từ môi trường đưa về não. Để từ đó não có thể đưa ra những phản ứng trả lời lại các tác nhân xúc tác. Đảm bảo an toàn cho cơ thể cũng như tăng cảm nhận của cơ thể với thế giới xung quanh.
- Sự tái tạo
Trong da có các tế bào tái tạo vết thương như tế bào gốc keratinocyte. Mất đi keratinocyte là chúng ta mất khả năng tái tạo tế bào mới.
- Nguồn dự trữ dưỡng chất
Lớp mỡ tại lớp hạ bì là nơi dự trực một số vitamin, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như A, E, D, K…có vai trò quan trọng khi cơ thể cần đến những chất này.
Ngoài ra, da còn có chức năng thẩm mỹ, tạo nên vẻ đẹp, ngoại hình, có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt cá nhân cũng như giao tiếp bên ngoài xã hội.
Một số chức năng phụ của da
- Giảm sát miễn dịch học
Da là một cơ quan trọng của hệ miễn dịch. Tại da, xuất hiện một số hoạt động miễn dịch, tấn công những tác nhân, kháng nguyên ra khỏi cơ thể nhờ một số đại bào bạch cầu.
- Chức năng sinh hoá
Da tham gia vào hoạt động chuyển hoá vitamin cần thiết như vitamin D. Vitamin D là một chất cần thiết cho phát triển của cơ thể, liên quan đến quá trình hấp thụ bình thường của canxi và phốt pho, giúp cho xương khỏe mạnh, cơ thể cao lớn.
- Dấu hiệu nhận biết sức khỏe
Da là tấm gương phản chiếu sức khỏe cơ thể, lối sống của con người với cơ thể họ. Da sẽ là tiêu chí dùng để đánh giá của mỗi người khi họ nhìn thấy và hình thành ấn tượng đầu tiên của mình tới vẻ ngoài của người khác. Đặc biệt, trong y tế sức khoẻ, các bác sĩ sẽ đánh giá trực tiếp bệnh tật của họ qua làn da.
Bình Luận